Theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm, bánh kẹo là một loại thực phẩm. Việc sản xuất bánh kẹo giả không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại uy tín của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo chính hãng. Vì vậy, tùy từng trường hợp, người sản xuất bánh kẹo giả có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể như sau:
Theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định 185/2013/NĐ-CP):
- Trường hợp sản xuất bánh kẹo giả không có giá trị sử dụng, công dụng: Theo quy định tại Điều 12 mức phạt là:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Như vậy có nhiều mức phạt tiền được áp dụng, thấp nhất là 3 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng và cao nhất là 120 triệu đồng.
- Trường hợp sản xuất bánh kẹo giả là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Theo quy định tại Điều 14:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Với các quy định nói trên, hành vi sản xuất bánh kẹo giả là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 90 triệu đồng tùy theo mức vi phạm.
Với hai trường hợp nêu trên, ngoài hình phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, như: Tịch thu tang vật vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi sản xuất bánh kẹo giả khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù thấp nhất là hai năm, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Như vậy, tùy từng mức độ và hậu quả, hành vi sản xuất bánh kẹo giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa 120 triệu đồng cùng với các hình phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả. Hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tử hình.
Theo VnExpress